Nếu như bún chả cá Quy Nhơn, cua Huỳnh Đế, bánh hỏi Diêu Trì làm cho khách phương xa ăn thật đã thì những đặc sản Bình Định làm quà lại khiến bản thân và người thân, bạn bè của họ bị “nghiện”, bị “mê”. Bởi cái lạ, cái hay không thể xem thường được.
RƯỢU BÀU ĐÁ TOP 10 ĐẶC SẢN LÀM QUÀ NỔI TIẾNG VIỆT NAM
Đã lọt vào top 10 đặc sản làm quà nổi tiếng Việt Nam thì có ứng cử viên nào sáng giá hơn Rượu Bàu Đá. Tiếng thơm vang xa, danh hiệu rượu Bàu Đá chẳng biết tự bao giờ đã trở thành đặc sản thượng hạng của Bình Định.
Rượu Bàu Đá bắt nguồn từ bàu nước ngày xưa ở làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Người dân lấy nước từ đây để nấu rượu, từ đó hình thành nên thương hiệu rượu Bàu Đá thơm ngon xứ võ. Tuy nhiên, ngoài nguồn nước là yếu tố tiên quyết thì công thức nấu loại rượu này cũng khá nghiêm ngặt. Nguyên liệu, thành phần men, kinh nghiệm nấu rượu tuân theo tiêu chuẩn: Gạo chọn là gạo lứt, dụng cụ nấu đều làm từ sành thủy tinh và tre, thời gian chưng cất lâu khoảng 6 tiếng đồng hồ. Rượu ngon làm nên thương hiệu, vì thế rượu Bàu Đá trở thành mặt hàng hút khách du lịch.
NEM CHỢ HUYỆN NỔI DANH MỘT PHƯƠNG
Tính sơ sơ Việt Nam có khoảng chục loại nem, mỗi vùng có một loại một khẩu vị riêng. Và dĩ nhiên, nem chợ Huyện của Bình Định cũng nằm trong danh sách đó.
Nếu đã từng đến đất võ, bạn sẽ thấy hình ảnh đĩa nem đầy ắp đi liền với một tô bánh canh chả cá. Cứ hễ ăn bánh canh là người ta lại bóc thêm một hai cái nem ăn cùng. Và cứ thế nem trở thành món ăn quen thuộc hàng ngày, món ăn không thể thiếu trong nhiều dịp đặc biệt của người Bình Định. Vậy nên, ai có cơ hội đến đây đều không quên ghé qua khu vực chợ Huyện để mua đặc sản về làm quà. Nem chợ Huyện đủ vị chua cay mặn ngọt béo bùi giòn dai, được làm từ thịt heo cỏ có nhiều nạc, bọc bằng lá ổi gói thêm lá chuối bên ngoài. Thịt nem màu hồng tươi, tỏa mùi chua thanh dễ chịu. Nem ngon nên người ta còn viết lên câu thơ:
“Ai về Tuy Phước ăn nem
Ghé qua Hưng Thạnh mà xem tháp Chàm”
TRÉ BÌNH ĐỊNH – CÁN CHỔI NHỎ NHƯNG CÓ VÕ
Huế cũng có tré, Bình Định cũng có tré; cả hai đều nổi tiếng đều rất ngon. Song có lẽ mang trong mình dòng máu anh hùng nên hình dạng tré của đất võ không được mỹ miều, thanh cảnh như người cố đô. Những chiếc tré ở đây được bao bọc bởi lớp rơm rạ thơm mùi thôn quê, bó chặt hai đầu bằng lạt mỏng dai, hình dáng giống chiếc cán chổi nhỏ xíu. Đi dọc quanh cung đường quốc lộ hay trong thành phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp cán chổi treo lủng lẳng, nhìn rất ngộ.
Tré Bình Định ngoài ngoại hình đặc thù thì phần nhân cũng hơi khác. Nguyên liệu chính để làm tré là thịt tai, thịt đầu và thịt ba chỉ; trong khi tré Huế là thịt ba chỉ rán vàng. Ngoài ra không thể thiếu phụ gia tất yếu là thính, mè, riềng tỏi ớt, lá ổi non. Vì thế tré có vị giòn sật rất hợp làm mồi nhậu, đặc biệt hợp gu với rượu Bàu Đá. Vừa có rượu ngon vừa có mồi ngon, có lẽ nào chúng ta bỏ lỡ.
DẦU DỪA BÌNH ĐỊNH
Miền Nam có xứ dừa Bến Tre, miền Trung có xứ dừa Bình Định nên chuyến đi thăm đất võ nhất định phải mua một hai chai dầu dừa tinh khiết về làm quà.
Người dân Bình Định có thói quen dùng dầu dừa để nấu ăn và chăm sóc sức khỏe, vì thế loại dầu dừa phổ biến ở đây là ép lạnh. Giá mỗi lọ 100ml chỉ khoảng 50 ngàn đồng, nếu mua nhiều thì giá tốt hơn. Tuy giá rẻ và làm phương pháp công nghiệp nhưng dầu dừa Bình Định có chất lượng rất tốt. Bởi vậy, không ít du khách đặt mua số lượng lớn để mang về làm quà tặng bạn bè.
BÁNH ÍT LÁ GAI – ĐẶC SẢN THỨ THIỆT CỦA ĐẤT VÕ
Ai “Muốn ăn bánh ít lá gai” thì cứ “lấy chồng Bình Định cho dài đường đi” vì ngoài đất võ thì chẳng nơi đâu có món bánh này.
Bánh ít lá gai dễ bị lầm tưởng là món bánh ít, bánh tro nhờ hình dáng kim tự tháp và lớp lá chuối xanh tươi. Nhưng đó là bên ngoài thôi, khi lột lớp vỏ ra sẽ thấy ngay sự khác biệt. Bánh làm từ loại lá gai hình tim độc nhất ở Bình Định kết hợp với bột nếp xay nhuyễn nên vỏ có màu đen trong, nhân hấp dẫn với vị mặn đặc trưng của tôm thịt hoặc ngọt thanh của dừa đậu xanh. Hương vị đặc biệt thơm ngon cộng thêm hình dáng nhỏ nhắn đẹp mắt nên bánh này thường được dùng làm món tráng miệng và dâng lễ trong những ngày cưới hỏi, lễ tết.
MẮM CÁ THU SẢN VẬT CỦA NGƯ DÂN BÌNH ĐỊNH
Mắm ngon, mắm đặc biệt thường có xuất nguồn ở các tỉnh ven biển và vùng sông nước Nam Bộ. Bởi vậy, mắm cá thu của Bình Định chắc chắn cũng thuộc hạng đặc sản không thể xem thường.
Được trời phú cho vùng biển rộng lớn, sản lượng cá thu lớn nên luôn đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi ngon để làm mắm. Thực tế ai cũng biết cá thu nhiều thịt, giá trị dinh dưỡng cao chế biến được nhiều món ngon, nếu làm mắm thì có vẻ uổng. Song có cơ hội thưởng thức mắm cá thu sống hay chiên, chưng thịt thì đảm bảo thực khách chỉ có nghiền.
Mắm cá thu thơm ngon nhờ có muối khử tanh, có đường, mật ong và ít rượu trắng làm gia vị, đặc biệt có thính giã mịn để dậy mùi. Tỉ lệ thành phần được đong đếm tỉ mỉ đảm bảo sắc vị tròn đầy. Những nguyên liệu này kết hợp với đôi bàn tay chế biến của ngư dân, quá trình lên men của thời gian tạo nên vị mắm đặc biệt. Từ mắm cá thu có thể làm được nhiều món ăn hấp dẫn, hơn nữa càng để lâu mắm càng ngon, do đó hãy nhớ mua đặc sản mắm cá thu Bình Định khi có cơ hội nhé.
Vùng đất địa linh nhân kiệt Bình Định giờ đây không chỉ là địa danh du lịch nổi tiếng mà còn là cái nôi của đặc sản làm quà. Đến đây có cơ hội uống rượu Bàu Đá nhắm nem chợ Huyện, nhắm tré; thưởng thức bánh ít lá gai, mắm cá thu lại còn có thể mua về làm quà cho mọi người thì còn gì bằng.
Nguồn: copy